Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

QUY HOẠCH THÀNH PHỐ TẦM NHÌN 2050




Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013, nội dung tóm tắt như sau:


 Phạm vi, ranh giới điều chỉnh:
   Phạm vi, ranh giới điều chỉnh quy hoạch của thành phố Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa với tổng diện tích 128.543 ha (trong đó diện tích phần đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha).
   Mục tiêu phát triển:

   - Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia,hiện đại, là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung Và Tây Nguyên.

   - Phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững đảm bảo an ninh quốc phòng.

   Tầm nhìn 2050:

   - Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

   Tính chất:

   - Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

   - Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

   - Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.

   - Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

   Quy mô dân số:

   - Hiện trạng dân số năm 2012 khoảng 967.800 người, trong đó dân số đô thị khoảng 822.630 người. Dự báo đến năm 2020 dân số thành phố Đà Nẵng khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,3 triệu người.

   - Dự báo đến năm 2030 dân số thành phố Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu người( bao gồm dân số tạm trú và dân số quy đổi lượng khách du lịch ước tính năm 2030), trong đó dân số đô thị khoảng 2,3 triệu người.


   Quy mô đất đai:

  - Đến năm 2020: đất xây dựng đô thị khoảng 20.010 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659 ha.

   - Đến năm 2030: đất xây dựng đô thị khoảng 37.500 ha, trong đó đất dân dụng là 15.500 ha.


Mô hình phát triển không gian đô thị:

   Kế thừa mô hình phát triển không gian của quy hoạch chung được duyệt năm 2002 theo các chuỗi khu đô thị tập trung dọc theo các trục giao thông chính gắn kết với cấu trúc khung thiên nhiên của đô thị.

   Định hướng phát triển không gian đô thị:

   - Khu vực đô thị cũ là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban, ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Đà Nẵng; các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung. Xây dựng, cải tạo khu trung tâm đô thị tập trung theo hướng phát huy vai trò, vị trí, chức năng là trung tâm giao lưu của Đà Nẵng về thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo.

   - Tại khu ven biển Tây Bắc, sẽ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, phát triển các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung mật độ trung bình.

   - Còn tại khu ven biển phía Đông, có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng; giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải; phát triển các lĩnh vực bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo. Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê.

   - Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tại khu vực phía Tây. Khu vực bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà.

   - Với khu vực phía Nam, hình thành và phát triển đô thị gắn với bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử văn hoá, hình thành các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, nhà cổ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên mang nét làng quê truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo và thể dục thể thao cấp quốc gia.

   - Khu vực đồi núi phía Tây và huyện Hoàng Sa là khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khu vực đồi núi phía Tây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết các dòng chảy, bảo vệ các công trình hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn. Đây là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Huyện đảo Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét